Tam Quốc Diễn Nghĩa | Podcast - Nhac.vn

Tam Quốc Diễn Nghĩa
Tam Quốc Diễn Nghĩa
La Quán Trung
Claim ownership
Giới thiệu
Ngay từ đầu thế kỉ 20, truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa đã xuất hiện ở Việt Nam, mang đến cho người Việt những bài học về đạo lí vua tôi, trung với nước, hiếu với dân…Nhận ra giá trị của bộ truyện tranh, Công ty văn hóa Đinh Tị đã mua bản quyền bộ truyện tranh Tam Quốc Diễn Nghĩa được chuyển thể từ bộ phim hoạt hình cùng tên, nhằm phục vụ cho đông đảo nhu cầu của bạn đọc thưởng thức tác phẩm bằng nét vẽ đặc sắc và độc đáo của các họa sỹ tài ba. Truyện kiếm hiệp, lịch sử Tam quốc Diễn Nghĩa lấy bối cảnh vào những năm cuối triều đại nhà Hán, sự suy yếu của của triều đình làm cho xã hội Trung Hoa rơi vào cảnh náo loạn. Vua tin dung hoạn quan khinh rẻ hiền tài, đam mê tửu sắc bỏ quên chính sự nên triều đình ngày càng đổ nát, cuộc sống người dân ngày càng lần than, cực khổ, giặc cướp nổi lên khắp nơi. Và nổi lên trong đó là loạn đảng khăn Vàng của anh em nhà Trương Giác với mấy vạn đồ đệ theo hầu. Loạn thế xuất anh hùng, nhiều hào kiệt bắt đầu lộ diện giúp nước nhà như ba anh em Lưu Bị, Quan Vũ, Trường Phi, quan Thừa ở Hạ Phi tên Tôn Kiên, Quan Kỵ đô uý Tào Tháo… Được sự giúp sức, cuối cùng triều đình cũng đánh tan được loạn đảng. Tuy nhiên, nhà vua vẫn ngựa quen đường cũ, bọn hoạn quan vẫn lộng hành. Thứ sử Tây Lương là Đổng Trác nhân cơ hội này đã phế truất vua cũ, lập vua mới rồi tự phong cho mình làm tướng quốc nắm hết quyền hành. Hành vi tàn bạo, lộng quyền của Đổng Trác khiến các quan vô cùng phẫn nổ. Thứ sử các châu, quận dẫn đầu là Kỳ Hương Hầu Viên Thiệu hội quân tiến đánh nhưng do nội bộ bất hoà nên quân đội cũng tan rã.
Có mặt tại
Cộng đồng
2 podcasts
Hồi 2 - Tam Quốc Diễn Nghĩa Trác tên chữ là Trọng Dĩnh, quê ở huyện Lâm Thao, quận Lũng Tây, làm quan thái thú ở Hà Đông, xưa nay vốn tính kiêu ngạo. Lúc ấy vì khinh Huyền Đức nên Trương Phi nổi nóng muốn vào giết ngay. Huyền Đức, Quan Công vội ngăn mà rằng: Không nên, hắn là quan triều đình, em chớ nên tự tiện giết hắn! Phi nói: Nếu không giết nó, mà lại ở đây làm đầy tớ cho nó sai khiến, thì tôi không thể chịu được! Nếu hai anh muốn ở đây thì tôi xin đi ngay nơi khác. Huyền Đức nói: Ba anh em ta kết nghĩa cùng sống chết, sao nỡ lìa nhau? Thôi cùng đi nơi khác là hơn cả. Phi nói: Có thế thì cái tức này mới hơi hả. Ngay đêm ấy ba người dẫn quân đến với Chu Tuấn. Tuấn khoản đãi rất hậu. Cùng nhau họp quân, tiến đánh Trương Bảo. Bấy giờ Tào Tháo đương theo Hoàng Phủ Tung đánh Trương Lương, hai bên đánh nhau một trận to ở Khúc Dương. Bên này Chu Tuấn tiến đánh Trương Bảo, Bảo dẫn tám chín vạn quân đóng ở mé sau núi. Tuấn sai Huyền Đức dẫn đội tiên phong ra đối địch với giặc. Trương Bảo sai phó tướng Cao Thăng phi ngựa ra thách đánh, Huyền Đức sai Trương Phi cự với Cao Thăng. Phi phóng ngựa cầm mâu cùng Thăng giao chiến, chưa được vài hiệp đã đâm Thăng ngã ngựa. Huyền Đức thúc quân xông lên, Trương Bảo ngồi trên ngựa xoã tóc múa gươm, giở yêu thuật, phút chốc gió ầm ầm, một luồng khí đen tự trên không toả xuống, trong luồng khí đen có vô số người ngựa xông ra, quân Huyền Đức sợ hãi rối loạn, Huyền Đức vội vàng thu quân về, cùng Chu Tuấn bàn mưu định kế. Tuấn nói: Nó dùng yêu thuật thì ta phá cũng dễ. Ngày mai nên sai quân chứa sẵn máu lợn máu chó, máu dê phục ở trên núi, đợi quân giặc kéo đến, đứng trên vẩy xuống, tự khắc giải được phép yêu. Huyền Đức tuân lệnh, sai Quan Công, Trương Phi mỗi người dẫn một nghìn quân đem sẵn máu chó, máu lợn, máu dê và đồ uế vật, phục trên đỉnh núi.
29ph
27 Thg07, 20
Hồi 1 - Tam Quốc Diễn Nghĩa Thế lớn trong thiên hạ, cứ tan lâu rồi lại hợp, hợp lâu rồi lại tan: như cuối đời nhà Chu, bảy nước tranh giành xâu xé nhau rồi sau lại hợp về nhà Tần. Đến khi nhà Tần mất, thì Hán Sở tranh hùng rồi sau thiên hạ lại hợp về tay nhà Hán. Nhà Hán, từ lúc vua Cao tổ (Bái Công) chém rắn trắng khởi nghĩa, thống nhất được thiên hạ, sau vua Quang Vũ lên ngôi, rồi truyền mãi đến vua Hiến đế; lúc bấy giờ lại chia ra thành ba nước. Nguyên nhân gây ra biến loạn ấy là do hai vua Hoàn đế, Linh đế. Vua Hoàn đế tin dùng lũ hoạn quan, cấm cố những người hiền sĩ. Đến lúc vua Hoàn đế băng hà, vua Linh đế lên ngôi nối nghiệp; được quan đại tướng quân Đậu Vũ, quan thái phó Trần Phồn giúp đỡ. Khi ấy, trong triều có bọn hoạn quan là lũ Tào Tiết lộng quyền. Đậu Vũ, Trần Phồn lập mưu định trừ bọn ấy đi, nhưng vì cơ mưu tiết lộ nên lại bị chúng nó giết mất. Từ đấy, bọn hoạn quan ngày càng ngạo ngược. Ngày rằm tháng tư năm Kiến Ninh thứ hai (167 sau công lịch) vua ngự điện Ôn Đức. Tự nhiên có cơn gió to ầm ầm từ góc điện nổi lên, rồi thấy một con rắn xanh lớn ở trên xà nhà quăng xuống quằn quại trên long án. Vua kinh hoàng ngã đùng ra, các quan tả hữu vội cứu vực vào cung; ở ngoài văn võ cũng sợ chạy cả. Được một lát con rắn biến mất và bỗng nhiên mưa to, sấm sét ầm ầm; lại thêm mưa đá rào rào mãi đến nửa đêm mới tạnh, đổ nhà đổ cửa không biết bao nhiêu mà kể. Tháng hai, năm Kiến Ninh thứ tư (169) tỉnh Lạc Dương có động đất, nước bể dâng lên ngập lưng trời, dân cư ở ven bể bị sóng lớn cuốn trôi đi mất cả. Năm Quang Hoá thứ nhất (178), một con gà mái tự dưng hoá ra gà trống. Mồng một tháng sáu năm ấy, một luồng khí đen dài chừng hơn mươi trượng bay vào trong điện Ôn Đức. Qua sang tháng bảy, lại có lắm điều gở lạ: cầu vồng mọc ở giữa Ngọc đường; rặng núi Ngũ Nguyên bỗng dưng lở sụt xuống. Vua hạ chiếu, hỏi chư thần từ đâu mà sinh ra những điềm quái gở ấy. Có quan nghị lang là Sái Ung dâng sớ lên, lời lẽ thống thiết, nói rằng: “Cầu vồng sa xuống, gà mái hoá trống, ấy là bởi quyền chính trong nước ở tay đàn bà và ở tay hoạn quan”. Vua xem sớ ngậm ngùi thở dài, đứng dậy thay áo. Tào Tiết khi ấy đứng hầu sau ngai nghe trộm thấy, trong lòng căm giận, bèn mách bảo đồng bọn, bàn mưu kiếm cớ vu hãm Sái Ung, cách quan đuổi về quê quán. Về sau bọn hoạn quan là Trương Nhượng, Triệu Trung, Phong Tư, Đoan Khuê, Tào Tiết, Hầu Lãm, Kiển Thạc, Trình Khoáng, Hạ Huy, Quách Thắng, cả thảy mười người gọi là mười quan “thường thị” bè đảng với nhau kéo cánh làm càn. Nhà vua tin dùng tôn trọng Trương Nhượng, gọi là “Á phụ” (nghĩa là vua coi như cha). Từ đấy chính sự trong triều ngày càng đổ nát, lòng người náo loạn, giặc cướp nổi lên như ong. Khi ấy ở đất Cự Lộc, có một nhà ba anh em: anh cả là Trương Giác, em hai là Trương Bảo, em út là Trương Lương.
33ph
27 Thg07, 20